Kinh doanh công nghệ số:
2012-12-06
Hiện Việt Nam có gần 31 triệu người sử dụng internet với khoảng 6 triệu máy tính đang kết nối internet. Lĩnh vực công nghệ số đang là ngành kinh doanh béo bở, với đa dạng chủng loại sản phẩm: kinh doanh thông tin (sách báo điện tử); tiếp thị truyền thông số; thương mại điện tử (TMĐT); kinh doanh các phần mềm trò chơi, viễn thông trực tuyến...

Hiện Việt Nam có gần 31 triệu người sử dụng internet với khoảng 6 triệu máy tính đang kết nối internet. Lĩnh vực công nghệ số đang là ngành kinh doanh béo bở, với đa dạng chủng loại sản phẩm: kinh doanh thông tin (sách báo điện tử); tiếp thị truyền thông số; thương mại điện tử (TMĐT); kinh doanh các phần mềm trò chơi, viễn thông trực tuyến...

Tuy vậy, các chuyên gia cho rằng internet là môi trường rất mở và rất dễ… bát nháo, Chính phủ cần có chính sách tạo ra sân chơi công bằng cho môi trường TMĐT.

Theo Báo cáo thường niên "State of the News media" được trình bày tại Hội thảo quốc tế
"Công nghệ và nội dung số" diễn ra ngày 3/12/2012 tại Hà Nội, Việt Nam đứng thứ 18
về số lượng người dùng internet trên thế giới.

Trong số hơn 91,5 triệu dân, có gần 31 triệu người sử dụng internet với khoảng 6 triệu máy tính được kết nối internet, chiếm 34% dân số (mức trung bình thế giới là 33%). Có tới 95% số người trong độ tuổi từ 15 - 24 tuổi từng truy cập internet.

Nở rộ dịch vụ kinh doanh trên internet

Việt Nam là nước có tốc độ phát triển thuê bao di động vào hàng nhanh nhất trên thế giới, hiện có hơn 130 triệu thuê bao di dộng gồm cả 2G và 3G, đạt tỷ lệ 145 điện thoại di động (ĐTDĐ)/100 dân. Trong đó có 19 triệu thuê bao từng sử dụng dịch vụ internet mobile; tỷ lệ sử dụng smartphone là 16%. Có thể thấy nhu cầu về nội dung trên di động rất lớn. Việc phát triển nội dung trên di động đang rất được cơ quan quản lý, doanh nghiệp (DN) cũng như cộng đồng quan tâm.

Hiện có 88% người dùng internet truy cập từ kết nối ở nhà riêng, 28% từ nơi làm việc, 26% từ các điểm truy cập internet công cộng, gần 30% truy cập từ ĐTDD hoặc PAD. Ước tính đến cuối năm 2012, sẽ có khoảng 10 triệu ĐTDD sử dụng dịch vụ mạng 3G có phát sinh lưu lượng.

Theo Cục Quản lý phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông), tính đến nay, cả nước có 62 báo và tạp chí điện tử; hơn 300 trang thông tin điện tử của các cơ quan, tổ chức; 1.024 trang thông tin điện tử tổng hợp. Hệ thống các trang mạng xã hội cũng đang phát triển nhanh chóng, hiện có 227 mạng xã hội đăng ký hoạt động, thu hút được nhiều người sử dụng.

Thị trường TMĐT Việt Nam cũng đang trong giai đoạn phát triển nhanh và đầy hứa hẹn. Hiện nay, người Việt đã bắt đầu coi internet như một phần của đời sống mua sắm. Có đến 80% người dùng tìm hiểu về sản phẩm thông qua internet trước khi mua hàng, đặc biệt là đối với các mặt hàng điện tử và công nghệ.

Trong bối cảnh đó, thị trường tiếp thị truyền thông số Việt Nam trở thành "vùng đất hứa" đầy tiềm năng cho các nhà đầu tư, và dần trở thành sự lựa chọn hấp dẫn như một kênh quảng cáo tiếp thị chi phí thấp, hiệu quả cao. Mặc dù quảng cáo trên TV hiện vẫn chiếm hơn 75% toàn bộ chi phí quảng cáo tiếp thị (khoảng gần 10.000 tỷ đồng); quảng cáo trên báo in chiếm gần 20%, trong khi thị phần khiêm tốn của tiếp thị trên Internet chỉ đạt chưa đến 0,5%, tuy nhiên, phân khúc quảng cáo này vẫn đang nhận được đầy đủ niềm tin sẽ tăng trưởng vô cùng nhanh chóng trong thời gian tới.

Dịch vụ kinh doanh trò chơi trực tuyến cũng phát triển rầm rộ, được coi là lĩnh vực "hốt bạc" ở Việt Nam. Hiện đã có 18 triệu tài khoản đăng ký sử dụng các dịch vụ trò chơi, mạng xã hội, âm nhạc và tin tức của Công ty Cổ phần VNG, chiếm khoảng 60% số người sử dụng internet của Việt Nam.

Khó bảo hộ TMĐT

Ông Lê Doãn Hợp - Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, nhận định: "Mặc dù đã có những bước tiến mạnh mẽ, đáp ứng mục tiêu đề ra của Đảng và Chính phủ về phát triển công nghệ thông tin – truyền thông (CNTT-TT), nhưng từ góc nhìn chuyên ngành truyền thông số vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế.

Thứ nhất, cơ quan quản lý nhà nước còn lúng túng trong quản lý nội dung trên internet. Vẫn còn nhiều nội dung, thông tin xấu không được kiểm soát kịp thời hoặc khi kiểm soát thì dùng biện pháp ngăn cấm chưa hiệu quả, chưa hình thành được chế tài đủ rõ có tác dụng răn đe hoặc khuyến khích.

Thứ hai, mối quan hệ giữa các nhà mạng viễn thông với các công ty cung cấp dịch vụ nội dung (CP) vẫn chưa công bằng, tỷ lệ ăn chia doanh thu giữa nhà mạng với CP vẫn quá chênh lệch về phía nhà mạng. Cùng cung cấp dịch vụ nội dung, nhưng CP thuộc sở hữu hoặc có quan hệ gần gũi với nhà mạng sẽ được nhiều ưu đãi hơn. Về lâu dài, thực trạng này sẽ gây ảnh hưởng xấu tới việc phát triển nội dung trên di động tại Việt Nam.

Thứ ba, việc đầu tư hạ tầng CNTT-TT, hạ tầng viễn thông, hạ tầng truyền hình số… vẫn còn dàn trải, lãng phí, thiếu đồng bộ, chưa tạo được nguồn lực tổng hợp của toàn xã hội.

Ông Lê Hồng Minh - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần VNG, cho rằng TMĐT là một hình thức kinh doanh đặc biệt. Người tiêu dùng có nhu cầu tìm hiểu hàng hóa hiện nay thường tra cứu qua Google. Chính vì vậy, đối thủ cạnh tranh lớn nhất của các công ty TMĐT hiện nay không phải là công ty TMĐT khác, mà là Google. Trên thế giới, những công ty TMĐT lớn thường cấm Google "search" thông tin trên mạng của họ, nhưng các trang web TMĐT ở Việt Nam không thể làm được điều này.

Internet là môi trường rất mở, đa phần các nước đều kiểm soát được phần phân phối kinh doanh qua mạng. Riêng ở Việt Nam, thị trường internet gần như chưa được bảo hộ. Trong một thị trường "mở" như vậy, Chính phủ nên có chính sách tạo ra "sân chơi" công bằng cho môi trường TMĐT.

"Ở nước ta, trước khi có internet, tình trạng sản xuất - kinh doanh băng đĩa đã bị điêu đứng vì đĩa lậu tràn lan. Nay có internet thì các clip ca nhạc, văn hóa phẩm được tự do đưa lên mạng "vô tội vạ", rất thiệt thòi cho ca sĩ, nhà sản xuất văn hóa phẩm. Quan điểm "anh nghe nhạc của tôi thì phải trả tiền" chưa được Nhà nước bảo hộ. Tôi chỉ mong rằng DN trong nước được canh tranh bình đẳng với DN nước ngoài trong lĩnh vực TMĐT, nhờ những chính sách hợp lý", ông Minh bày tỏ.

Cũng đồng quan điểm với ông Minh, ông Henry Nguyễn - nhà quản lý quỹ thuộc IDG Ventures Vietnam (công ty đã đầu tư vào VNG và Socbay), cho rằng các doanh nhân công nghệ Việt Nam hiện ở thế bất lợi so với nhiều đối thủ ngoại: "Luật pháp Việt Nam hiện nay đang có lợi cho các công ty công nghệ không phải của Việt Nam, và có lẽ là không công bằng với các công ty trong nước".

Theo Doanh nhân Sài Gòn

Tin liên quan

Trang chủ Giới thiệu Tin tức sự kiện Truyền thông xã hội Tin hội viên Đào tạo truyền thông Tài nguyên ngành Thư viện ảnh Liên hệ English
HỘI TRUYỀN THÔNG THÀNH PHỐ HÀ NỘI
Địa chỉ: Số 32 Hào Nam - Đống Đa - Hà Nội
Điện thoại: (+84) 04.35123194 Email: info@hanica.org