Tối nay (11-10), Liên hoan văn hóa ẩm thực Hà Nội 2018 khai mạc tại Công viên Thống Nhất, Hà Nội. Nhiều đặc sản ẩm thực của Hà Nội sẽ được giới thiệu tại liên hoan để không chỉ khoe tài nghệ khéo léo của nghệ nhân các làng nghề mà còn giới thiệu tới du khách nét tinh tế trong tinh hoa văn hóa ẩm thực của người Hà Nội xưa và nay.
|
Lễ hội văn hóa ẩm thực Hà Nội 2018 khai mạc tối nay tại Công viên Thống Nhất, Hà Nội. |
Hội tụ món ngon Hà Nội
Theo thông tin từ Sở Văn hóa và Thể thao (VH-TT) Hà Nội, 10 món ăn đặc sắc của mảnh đất kinh kỳ sẽ được giới thiệu trong lễ hội văn hóa ẩm thực lần này, đó là bánh cuốn Thanh Trì, cốm Mễ Trì, xôi chè Phú Thượng, bánh tẻ Phú Nhi, tương Đường Lâm, giò chả Ước Lễ, bánh chưng Tranh Khúc, bánh dày Quán Gánh, phở Hà Nội, bún Phú Đô.
Điểm khác biệt giữa lễ hội văn hóa ẩm thực Hà Nội 2018 với các lễ hội ẩm thực khác là các món ăn cũng là sản phẩm làng nghề truyền thống của Hà Nội. Do vậy, du khách tới dự lễ hội không chỉ được thưởng thức các món ăn ngon trứ danh Hà thành mà còn biết đến quy trình làm ra những sản vật này ra sao. Đặc biệt, du khách sẽ cùng tìm hiểu về những bí quyết nhà nghề để giữ cho xôi chè Phú Thượng hai ngày không thiu hay giò Ước Lễ có độ xốp, mềm và ngon.
|
Một góc trưng bày của làng cốm Mễ Trì thành điểm "check in" của nhiều khách tham quan. |
Theo ghi nhận của phóng viên HNMO vào chiều 11-10, trước lễ khai mạc vài giờ đồng hồ, nhiều gian hàng đã hoàn thành phần trưng bày và bắt đầu đón khách. Gian hàng cốm Mễ Trì thành điểm “check in” được nhiều du khách thích thú, bởi người làng Mễ Trì đã tinh tế bày biện gian hàng như một vựa lúa. Những bó lúa nếp xanh mượt, hạt căng mọng, thơm nức được sắp đặt từ ngoài cửa cho đến sân trưng bày.
Chị Thu Thuỷ, một người làm cốm ở làng Mễ Trì vừa bày biện, vừa đon đả mời chào những đặc sản của làng nghề mình. Nào là cốm tươi mới giã sáng nay đã được hút chân không sạch sẽ, cốm khô có thể để được lâu ngày, hay chả cốm, xôi cốm… Cốm là thứ quà vặt của mùa thu Hà Nội, ăn kèm với cốm không thể thiếu chuối trứng cuốc, hồng tươi. Bởi thế, gian cốm Mễ Trì có cả gánh hàng rong đủ màu sắc của cốm xanh, chuối chín vàng và hồng đỏ. Nhìn vui mắt là vậy nên khi vừa mở cửa, gian hàng cốm Mễ Trì đã tấp nập người mua.
|
Chị Thu Thủy, một người làm cốm làng Mễ Trì bày biện gian hàng. |
Cạnh khu vực sân khấu chính là gian hàng của làng bánh cuốn Thanh Trì. Tham gia lễ hội văn hóa ẩm thực Hà Nội lần này, Hội Phụ nữ của làng bánh cuốn Thanh Trì có mặt từ sáng để tráng bánh. Chị Lan, quản lý gian hàng cho biết, trong ngày khai mạc, người làng bánh cuốn Thanh Trì mang đến 20kg chả quế và 50kg bánh. Bánh được tráng tại chỗ để du khách có thể nhìn thấy sự khéo léo của người Thanh Trì, vừa có thể thưởng thức những chiếc bánh tươi mới ra lò. Chị cam đoan, bánh Thanh Trì từ bao đời nay không có chất bảo quản, hàn the. Bánh cuốn Thanh Trì nổi tiếng mềm, dẻo mà vẫn giòn là do kỹ thuật pha bột được truyền từ nhiều đời.
|
Những người làng bánh cuốn Thanh Trì tráng bánh tại gian hàng của mình. |
Bên cạnh các làng nghề ẩm thực truyền thống của Hà Nội, lễ hội văn hóa ẩm thực Hà Nội cũng quy tụ nhiều thương hiệu ẩm thực nổi tiếng ở khu phố cổ. Quán miến lươn Chân Cầm vốn có truyền thống lâu đời, nổi tiếng với du khách gần xa cũng có mặt tại lễ hội năm nay. Lễ hội chưa khai mạc nhưng quán đã đông khách đến thưởng thức quà chiều. Bà chủ quán miến lươn luôn tay phục vụ khách cho biết, để bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, quán chỉ mang 2kg lươn đã chế biến sạch sẽ để bày biện, khi lươn bán gần hết thì nhân viên của quán sẽ về lấy tiếp.
Để trở thành nét đẹp văn hóa
Với 26 gian hàng, Ban tổ chức đã sắp đặt thành 3 khu vực: Khu vực ẩm thực khô, khu ẩm thực ướt và khu ăn uống chung. Ngoài ra, lễ hội còn có hoạt động trình diễn ẩm thực do các nghệ nhân thực hiện; triển lãm ảnh các tác phẩm chủ đề Hà Nội xưa và nay, tuyên truyền nếp sống văn minh, thanh lịch của người Hà Nội trong thưởng thức ẩm thực và ứng xử nơi công cộng.
Khách tham quan dễ dàng nhìn thấy gian trưng bày các bức ảnh về văn hóa ẩm thực xưa và nay, những lời ghi chú về cách thức ăn uống sao cho thanh lịch, văn minh. Nhiều hình ảnh về ứng xử nơi công cộng cũng được trưng bày trong dịp này, đặc biệt trong đó có nhiều bức ảnh từng tham gia cuộc thi ảnh “Người Hà Nội ứng xử thanh lịch, văn minh năm 2017” do Báo Hànộimới phối hợp với Sở VH-TT Hà Nội tổ chức.
Bà Phạm Thị Lan Anh, Trưởng phòng Quản lý Di sản Văn hóa - Sở VH-TT Hà Nội, cho biết, điều Ban tổ chức mong muốn nhất ở lễ hội văn hóa ẩm thực năm nay là hướng du khách đến với lịch sử của nghề, quy trình thực hành để làm nên các món ăn và bí quyết truyền nghề, giữ nghề của nghệ nhân. Hơn nữa, Ban tổ chức mong muốn, lễ hội còn là dịp để tuyên truyền tới người dân quy tắc ứng xử nơi công cộng, những nét đẹp trong ứng xử hằng ngày, trong cách ăn, cách nói...
“Để lễ hội ẩm thực trở thành “đặc sản” của Hà Nội, ngoài những cam kết của đơn vị tham gia về việc giữ gìn hình ảnh, nâng cao chất lượng dịch vụ, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm thì còn rất cần sự tham gia có ý thức và trách nhiệm của du khách”, bà Lan Anh bày tỏ.
Lễ hội văn hóa ẩm thực Hà Nội 2018 sẽ khai mạc tối nay và kéo dài đến hết ngày 14-10.