Phòng chống HIV/AIDS trên địa bàn Thủ đô: Hiệu quả từ công tác tuyên truyền
2014-07-15
 Trong năm 2013, cùng với việc đẩy mạnh các hoạt động nhằm chăm sóc, điều trị cho người nhiễm HIV, bệnh nhân AIDS, Hà Nội còn đặc biệt chú trọng đến công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia vào các hoạt động phòng chống HIV/AIDS ở các cấp, các ngành và tại các địa phương. Từ đó đã tạo động lực thúc đẩy sự tham gia của cả hệ thống chính trị và toàn dân vào việc thực hiện “Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020, tầm nhìn 2030” và phong trào “Toàn dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư”.

Theo báo cáo kết quả hoạt động phòng chống HIV/AIDS năm 2013 trên địa bàn Thành phố Hà Nội, trong năm qua, số người mới phát hiện nhiễm HIV là 773 trường hợp, giảm 7,3% so với năm 2012. Hà Nội vẫn là một trong 5 tỉnh có số người nhiễm HIV tích lũy cao nhất cả nước. Tỷ lệ nam giới nhiễm HIV mới phát hiện cao gấp 2,6 lần nữ giới. Gần 80% người nhiễm ở nhóm tuổi từ 25-49 trên tổng số người nhiễm HIV/AIDS được báo cáo. Cũng theo báo cáo, các trường hợp nhiễm mới trong năm 2013 tập trung chủ yếu ở các quận nội thành, như Đống Đa, Hai Bà Trưng, Ba Đình…

Đánh giá hiệu quả của hoạt động truyền thông trên địa bàn Thành phố cho thấy, các hoạt động tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS đã được triển khai sâu rộng với sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội và quần chúng nhân dân. Hình thức, nội dung tuyên truyền ngày càng phong phú, góp phần định hướng cho mọi người thực hiện pháp luật, chính sách về phòng chống HIV/AIDS; phổ biến, giới thiệu đến mọi người dân về các dịch vụ dự phòng lây nhiễm, chăm sóc hỗ trợ, điều trị cho người nhiễm HIV, bệnh nhân AIDS, tạo điều kiện cho người bệnh, người có hành vi nguy cơ mắc bệnh được tiếp cận với các dịch vụ y tế thân thiện.

Các chương trình phối hợp liên ngành trong công tác phòng chống HIV/AIDS được duy trì và thực hiện có hiệu quả. Toàn Thành phố đã triển khai kế hoạch hoạt động phòng, chống HIV/AIDS Thành phố Hà Nội năm 2013; Tổ chức tháng hành động Quốc gia phòng chống HIV/AIDS năm 2013; Xây dựng và ký kết hợp đồng trách nhiệm với 46 Ban chỉ đạo phòng, chống HIV/AIDS và phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm tại các quận/huyện/thị xã, sở, ban, ngành đoàn thể. Cũng trong năm qua, Trung tâm phòng chống HIV/AIDS đã phối hợp với Sở TT&TT xây dựng và cung cấp 48 tin, bài truyền thông định hướng chủ đề và thông điệp truyền thông tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh cơ sở, đặc biệt phát thường xuyên liên trên địa bàn quân/huyện, xã/phường trọng điểm về ma túy, HIV/AIDS.

Ngoài ra, nhiều hoạt động truyền thông khác được tổ chức tại các trường học, nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất, đặc biệt là tuyên truyền, giới thiệu dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con và các nội dung liên quan. Nhờ vậy, nhận thức của người dân về phòng tránh HIV được nâng lên rõ rệt.

Các phương tiện thông tin đại chúng của cả Trung ương và Thành phố cũng đã góp phần chuyển tải  kịp thời các quan điểm, mục tiêu, biện pháp đã được đề ra trong Chiến lược quốc gia phòng chống HIV/AIDS đến năm 2020, tầm nhìn 2030; phổ biến kiến thức dự phòng lây nhiễm và giới thiệu các chương trình mục tiêu quốc gia phòng chống HIV/AIDS.

Qua đó đã vận động người dân thực hiện các biện pháp phòng chống HIV/AIDS, kiên quyết đấu tranh với tệ nạn xã hội và những nguy cơ lây truyền HIV/AIDS, nhất là việc tiêm chích ma túy trong đối tượng nghiện ma túy trên địa bàn Thành phố.

Thông qua nhiều hình thức tuyên truyền như phóng sự, bài viết, bài phát thanh, công tác tuyên truyền cũng đã phản ánh kịp thời, biểu dương những tập thể, cá nhân điển hình trong công tác phòng chống HIV/AIDS; đồng thời phổ biến những kinh nghiệm hay trong việc xây dựng hoạt động truyền thông ở các cơ quan, đơn vị để nhân rộng. Đặc biệt, rất nhiều người nhiễm HIV, bệnh nhân AIDS đã tự nguyện công khai danh tính, hình ảnh trên báo chí, xem đó là việc làm có ý nghĩa để thuyết phục, vận động mọi người đừng quay lưng với người nhiễm HIV...

Nhằm thực hiện có hiệu quả công tác phòng chống HIV/AIDS, thời gian tới, Hà Nội  tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đặc biệt chú trọng đối với việc thông tin, truyền thông về các hoạt động tư vấn, chăm sóc, điều trị người nhiễm HIV và bệnh nhân AIDS. Một trong những nhiệm vụ được tiếp tục chú trọng trong năm 2014 là tăng cường sự phối hợp chặt chẽ công tác phối hợp liên ngành và tuyến quận/huyện để tập trung đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, cung cấp thông tin phòng chống HIV/AIDS trên địa bàn Thủ đô.  

 

Trần Thúy

Tin liên quan

Trang chủ Giới thiệu Tin tức sự kiện Truyền thông xã hội Tin hội viên Đào tạo truyền thông Tài nguyên ngành Thư viện ảnh Liên hệ English
HỘI TRUYỀN THÔNG THÀNH PHỐ HÀ NỘI
Địa chỉ: Số 32 Hào Nam - Đống Đa - Hà Nội
Điện thoại: (+84) 04.35123194 Email: info@hanica.org