Quảng Ninh đang “nuôi” tham vọng trở thành tỉnh/thành phố trọng tâm của Đề án Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT-TT. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet. |
Tham vọng trở thành trọng tâm của Đề án Nước mạnh
Kết quả xếp hạng phát triển ứng dụng CNTT trong các địa phương những năm gần đây cho thấy Quảng Ninh đang nằm trong top những địa phương thuộc diện khá mạnh.
Quảng Ninh đang sở hữu nhiều chỉ tiêu “đẹp” như 100% sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố, các cơ quan Đảng cấp tỉnh, cấp huyện có mạng nội bộ LAN; 100% cán bộ công chức của tỉnh đã sử dụng hộp thư điện tử phục vụ cho công việc; hệ thống quản lý văn bản và điều hành được triển khai tại 18/20 sở, ban, ngành, 14 huyện, thị xã, thành phố, kết hợp 73 điểm cầu hội nghị trực tuyến, giúp công tác chỉ đạo, điều hành của tỉnh nhanh chóng, hiệu quả và tiết kiệm; Cổng Thông tin điện tử tỉnh Quảng Ninh đã cung cấp 1.457 dịch vụ công mức độ 2 và 3,…
Tuy nhiên, lãnh đạo tỉnh đang nuôi một tham vọng lớn hơn là đưa Quảng Ninh trở thành một trong những tỉnh/thành phố trọng tâm của Đề án "Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT-TT".
Để hiện thực hóa tham vọng này, trong Đề án Chính quyền điện tử tỉnh (thực hiện trong giai đoạn 2012 – 2014), rất nhiều mục tiêu khá lớn đã được đặt ra như: xây dựng và hoàn thiện hạ tầng CNTT để xây dựng chính quyền điện tử; ứng dụng rộng rãi CNTT trong hoạt động nội bộ của các cơ quan Nhà nước, lấy người dân làm trung tâm, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, hướng tới nền hành chính hiện đại, minh bạch, hiệu quả; đào tạo nguồn nhân lực vận hành hiệu quả hệ thống chính quyền điện tử; gắn xây dựng chính quyền điện tử với trung tâm dịch vụ hành chính công và cải cách thủ tục hành chính.
Nghiên cứu, thẩm định Đề án này, các chuyên gia CNTT khẳng định, Đề án đã thể hiện quyết tâm chính trị rất cao của lãnh đạo tỉnh về đẩy mạnh ứng dụng CNTT một cách đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm để cải cách thủ tục hành chính, xây dựng chính quyền minh bạch và hiệu quả, thuận dân.
Theo ông Đỗ Cao Bảo, Chủ tịch Công ty FPT-IS thuộc Tập đoàn FPT, “thông thường, việc xây dựng chính quyền điện tử cho một tỉnh cần khoảng thời gian 5 năm, nhưng ở Quảng Ninh, do có quyết tâm rất cao của lãnh đạo tỉnh, nên chỉ đến cuối năm 2014 sẽ có thể hoàn thành”.
Đặt niềm tin vào doanh nghiệp
Việc hợp tác Nhà nước – doanh nghiệp đã được nhiều tỉnh, thành phố khác trong cả nước triển khai trong suốt nhiều năm qua. Tuy nhiên, có lẽ Quảng Ninh là địa phương đầu tiên triển khai hợp tác toàn diện với một doanh nghiệp.
Xác định rõ doanh nghiệp CNTT là một trong những nguồn lực quan trọng để triển khai tin học hóa trong toàn dân và xây dựng chính quyền điện tử, tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư Quảng Ninh diễn ra hồi tháng 2/2012, UBND tỉnh đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác toàn diện với Tập đoàn FPT về việc xây dựng Đề án Chính quyền điện tử tỉnh, góp phần đưa Quảng Ninh thành tỉnh dẫn đầu về triển khai Chính quyền điện tử tại Việt Nam, đưa CNTT thành động lực phát triển các ngành công nghiệp dịch vụ trên địa bàn.
“Chọn mặt gửi vàng” và đặt trọn niềm tin vào FPT, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Phạm Minh Chính cam kết sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho Tập đoàn FPT đến Quảng Ninh tìm hiểu đầu tư, xúc tiến phát triển mạng lưới cơ sở, trước mắt sẽ tập trung vào làm các lĩnh vực như: quản lý mạng trong các cơ sở y tế, khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo. Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh còn cam kết rằng FPT IS sẽ được tỉnh Quảng Ninh tạo điều kiện tiếp cận các Sở, ban, ngành của tỉnh để nghiên cứu tìm hiểu nghiệp vụ, tìm hiểu nhu cầu ứng dụng CNTT vào quản lý, điều hành, cung cấp dịch vụ.
Về phía doanh nghiệp, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn FPT khẳng định FPT sẽ nỗ lực hết sức cùng với tỉnh Quảng Ninh triển khai xây dựng thành công mô hình chính quyền điện tử, góp phần đưa Quảng Ninh trở thành tỉnh đi đầu về hoạt động khoa học công nghệ.
Và trên thực tế, FPT đã triển khai hỗ trợ tỉnh Quảng Ninh trên nhiều phương diện khác nhau với cam kết đầu tư nguồn lực tốt nhất, giới thiệu các công nghệ mới nhất đáp ứng nhu cầu phát triển CNTT-TT của tỉnh.
Về việc hỗ trợ nguồn nhân lực cho Quảng Ninh, Hiệu trưởng Đại học FPT, TS. Lê Trường Tùng cho biết: “Hiện có xu hướng học sinh giỏi của Quảng Ninh không học tập tại quê nhà và phần nhiều cũng không trở về làm việc tại địa phương. FPT Polytechnic sẽ là cơ sở đầu tiên cung cấp dịch vụ đào tạo có chất lượng để sinh viên có thể yên tâm học tập tại Quảng Ninh”.
Bên cạnh đó, theo thỏa thuận hợp tác chiến lược với tỉnh Quảng Ninh, FPT Polytechnic sẽ tiến hành đào tạo cán bộ CNTT về quản trị dự án CNTT và các kỹ năng cần thiết khác để phục vụ việc xây dựng Chính quyền điện tử Quảng Ninh.
Còn về giải pháp chính quyền điện tử, FIS đã tư vấn và đề xuất Quảng Ninh triển khai hệ thống Chính phủ điện tử do FPT nghiên cứu, phát hành bao gồm các dịch vụ công được điện tử hóa theo hướng “một cửa” rất thuận tiện, rút ngắn thời gian xử lý và trả kết quả giao dịch cho doanh nghiệp và người dân; minh bạch hóa quá trình xử lý thông tin, nhờ đó tăng chỉ số cạnh tranh của tỉnh. Ngoài ra, hệ thống còn quản lý tốt các loại tài nguyên đất đai, rừng, mỏ; xử lý thông tin nội bộ chính quyền nhanh chóng hơn; cung cấp thông tin kinh tế, xã hội cho lãnh đạo tỉnh nhanh chóng, đầy đủ.
Trong một buổi làm việc với FPT, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Đặng Huy Hậu, nhấn mạnh: “Tỉnh Quảng Ninh đã và đang thực hiện hệ thống Chính phủ điện tử, tuy nhiên do thiếu nhiều yếu tố nên công tác này chưa phát huy hiệu quả trong công việc, điển hình như vấn đề cung cấp thông tin và sự tương tác hai chiều chưa thực sự đem lại hiệu quả cho cả lãnh đạo tỉnh và với người dân. Trong thời gian tới, đề nghị Tập đoàn FPT giúp tỉnh Quảng Ninh làm quy hoạch tổng thể chiến lược phát triển hệ thống Chính phủ điện tử, trong đó xem xét kỹ hiện nay tỉnh Quảng Ninh đang cần những gì và đứng ở vị trí nào trong tổng thể chung đó, để qua đó có những hướng đi đúng đắn, phù hợp”.
Tỉnh Quảng Ninh sẽ cùng phối hợp với Tập đoàn FPT xây dựng một trung tâm dữ liệu hiện đại, đồng bộ, là nơi tập trung lưu giữ, xử lý thông tin, dữ liệu của toàn tỉnh, bao gồm: phòng chống lụt bão, thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, giao thông, tài nguyên môi trường, dân cư, kinh tế xã hội… Đồng thời, xây dựng hệ thống Cổng dịch vụ hành chính công tỉnh Quảng Ninh có khả năng tích hợp với Cổng Thông tin điện tử tỉnh. Hệ thống này sẽ cung cấp tất cả các dịch vụ hành chính công của các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh, người dân và doanh nghiệp chỉ cần truy cập vào hệ thống này là có thể được cung cấp đầy đủ các dịch vụ hành chính của cơ quan Nhà nước tỉnh Quảng Ninh, từ các thông tin chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo tỉnh đến thủ tục đăng ký, quản lý hộ tịch (Sở Tư pháp), thông tin khiếu nại tố cáo (Thanh tra tỉnh), cấp hộ chiếu ngoại giao và công vụ (Sở Ngoại vụ)…