Thứ sáu, 20/08/2021 21:27 (GMT+7)
(ĐCSVN) – Các đại biểu tham gia Tọa đàm đã cùng nhau đánh giá tình hình thị trường bất động sản từ đầu năm đến nay, đặc biệt là trong đợt dịch COVID -19 lần thứ 4; nêu lên thực trạng khó khăn của các dự án bất động sản khi thị trường không thể giao dịch cũng như thực trạng hoạt động, khó khăn của các sàn giao dịch và môi giới bất động sản.
Các diễn giả, đại biểu tham dự Tọa đàm. (Ảnh chụp lại từ màn hình trực tuyến) |
Theo đó, các đại biểu tham gia Tọa đàm đã cùng nhau đánh giá tình hình thị trường bất động sản từ đầu năm đến nay, đặc biệt là trong đợt dịch COVID -19 lần thứ 4; nêu lên thực trạng khó khăn của các dự án bất động sản khi thị trường không thể giao dịch cũng như thực trạng hoạt động và khó khăn của các sàn giao dịch và môi giới bất động sản. Đồng thời, phân tích về tình hình môi giới bất động sản giảm sút qua góc nhìn từ công nghệ, trên cơ sở đó, chia sẻ về về chính sách vĩ mô cho môi giới bất động sản cũng như kiến nghị, đề xuất các giải pháp và kiến nghị giúp sàn giao dịch và môi giới bất động sản vượt qua khó khăn bởi COVID - 19.
Ông Phạm Thanh Hưng - Phó Chủ tịch HĐQT Cen Group .(Ảnh chụp từ màn hình trực tuyến) |
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam một lần nữa khẳng định về những tác động nghiêm trọng do dịch bệnh COVID-19 đến nền kinh tế thế giới trong đó có Việt Nam... Ông Hà mong muốn Tọa đàm sẽ tạo ra diễn đàn để cùng nhau đánh giá những khó khăn của các nhà đầu tư và kinh doanh bất động sản do dịch bệnh COVID-19, cùng nhau tim ra những giải pháp từ ý kiến đề xuất của các nhà đầu tư, các sàn môi giới… hợp lý để cơ quan quản lý hoàn thiện chính sách đồng hành cùng môi giới bất động sản nói riêng và ngành bất động sản nói chung vượt khó, từng bước phát triển.
Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Đính, Tổng thư ký Hội môi giới bất động sản Việt Nam hy vọng trong Tọa đàm lần này, các chủ đầu tư cùng các sàn môi giới bất động sản, các chuyên gia và các nhà quản lý sẽ cùng nhau trao đổi, kiến nghị tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn của cộng đồng môi giới bất động sản nói riêng và thị trường bất động sản nói chung.
Đại diện đến từ thị trường TP Hồ Chí Minh, bà Nguyễn Thị Thanh Hương nêu lên một số khó khăn trước sự bùng phát của dịch bệnh lần thứ 4, đặc biệt các ca lây nhiễm với số lượng lớn vừa qua. “Mặc dù chúng tôi đã lường trước và thận trọng trong kế hoạch kinh doanh nhưng với những diễn biến mới của dịch bệnh tính đến thời điểm hiện nay, chúng tôi vẫn phải tiếp tục điều chỉnh cho phù hợp hơn nữa. Chúng tôi cũng xác định đại dịch là một biến cố lịch sử, do đó, phải chấp nhận đối mặt đồng thời thành lập các tổ ứng phó nhanh để kịp đưa ra những quyết sách nhanh, linh hoạt, phân tích nắm bắt diễn biến thị trường kịp thay đổi ứng phó. Phải khẳng định rằng, nhu cầu quan tâm bất động sản vẫn còn lớn, nhu cầu an cư là có thật, vì thế, phải linh hoạt các kế hoạch cũng như đa dạng hóa dòng sản phẩm, chuẩn bị giao dịch trực tuyến...” - bà Hương chia sẻ.
Khá lạc quan trước diễn tiến của thị trường, bà Dương Thị Dung (Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam) nhận định, trong 6 tháng đầu 2021, nguồn cung tại TP Hồ Chí Minh tiếp tục sụt giảm nhưng nhu cầu đầu tư và an cư của người mua vẫn có, vẫn tăng thậm chí tăng cao, tỷ lệ hấp thụ vẫn khả quan và giá bán vẫn tăng.
Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc Anh (batdongsan.com.vn) cho thấy, bức tranh bất động sản 6 tháng đầu 2021 gần như chưa bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch bệnh. Hành vi tìm kiếm đầu tư bất động sản, đặc biệt bùng nổ trong tháng 4-5 và dần giảm khi dịch bệnh bùng phát trở lại.
Trong thách thức, thấy cơ hội...
Thị trường hiện tại đang rơi vào tình cảnh “khó chồng khó” và nguồn vốn được xem là "ô-xy" cho các doanh nghiệp bất động sản hiện nay. Theo ông Nguyễn Quốc Anh, dịch COVID-19 hạn chế giao lưu trực tiếp tăng cơ hội trực tuyến – làm thế nào để người tiêu dùng quen với dùng công cụ trực tuyến trong thị trường bất động sản. Bản thân các doanh nghiệp bất động sản hiện tại cũng có thay đổi để thích ứng với thực tế bằng cách tập trung vào quan tâm tương tác và kết nối liên tục với khách hàng ở bất cứ đâu nhằm đảm bảo thông suốt giao dịch và giữ mối liên hệ, nhiều chương trình khuyến mại giảm giá áp dụng trên nền tảng thương mại điện tử (mở bán online, giảm giá online), có thể có phương án nữa tạo thêm nguồn thu cho khách hàng, tìm kiếm nắm bắt tâm lý đối tượng khách hàng, có thể cân nhắc một số công nghệ để áp dụng: công nghệ 3D và storyteller… Cũng có thể xem xét đến một số sự kiện trực tuyến khi xu hướng online ngày càng nhiều hơn, dành thời gian online. Doanh nghiệp và nhà môi giới cần thay đổi, thích ứng mạnh mẽ với thực tế mà một trong những “chìa khóa” của thay đổi, đó là áp dụng công nghệ.
Bổ sung thêm tác dụng của ứng dụng công nghệ số, ông Phạm Thanh Hưng (Phó Chủ tịch HĐQT Cen Group) khẳng định, đại dịch là thảm họa nhưng là sự thúc đẩy cho chuyển đổi số trong nhiều lĩnh vực, trong đó có bất động sản. Riêng Cen Group với phương châm “Quản trị tập trung và điều hành phân tán”, doanh nghiệp này đang tìm cách thức vượt nhanh qua đại dịch mà trước hết là phải vượt qua nỗi sợ hãi, sự co cụm, thay vào đó là động viên, khuyến khích về tinh thần… đồng thời triển khai nhiều chiến dịch bán hàng online, ứng dụng phần mềm HomeNow…
Cũng đến từ TP Hồ Chí Minh, ông Phạm Lâm cho biết, khối môi giới bất động sản phía Nam vừa triển khai một khảo sát trong đó chỉ ra, có 70% doanh nghiệp bất động sản gặp khó khăn (giảm thu nhập, giảm lương, giảm nhân công và một số tạm ngừng hoạt động), cụ thể hơn có 50% doanh nghiệp nằm ở nhóm nguy cơ thấp, 30% thuộc nhóm nguy cơ ngừng hoạt động và 20% nhóm nguy cơ phá sản. Khó khăn lớn của các doanh nghiệp bất động sản hiện nay là thu hồi công nợ, kẹt vốn, mất nguồn nhân lực. Trước thực trạng đó, giải pháp thích nghi được ưu tiên triển khai là chuyển qua hoạt động online đồng thời cũng kiến nghị, các cơ quan hữu quan sớm triển khai các chính sách hỗ trợ giảm - giãn - hoãn thuế (thu nhập, VAT), giảm lãi suất vay… đồng thời hệ thống ngân hàng cho các doanh nghiệp bất động sản tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, đặc biệt sàn giao dịch bất động sản cần tiếp cận “ô-xy” nguồn vốn quan trọng để vượt qua giai đoạn khó khăn này.
“Khu vực phía Nam đang gặp khó nghiêm trọng, do đó, chúng tôi vừa mới xây dựng kho sản phẩm với nhiều chính sách ưu đãi với người mua và người tham gia môi giới sản phẩm, cơ hội tiếp cận những sản phẩm tốt nhất, đồng thời chủ động xây dựng kịch bản ứng phó đại dịch trong đó giữ vững quyết tâm không cắt giảm nhân sự cũng như phát triển một số nền tảng trực tuyến cho các nhà môi giới như: HouseMart (chia sẻ cơ hội deal, tìm kiếm dự án, tiếp cận nguồn hàng)” - ông Phạm Lâm thông tin.
Về cơ bản, nhiều ý kiến đồng tình với đề xuất xem xét thành lập Quỹ vaccine của Hội môi giới bất động sản nói riêng và Hiệp hội bất động sản nói chung để tiếp cận sớm hơn, nhanh hơn khi xã hội mở cửa và các nhà đầu tư “dễ thở” hơn khi hoạt động bình thường trở lại cũng như đề xuất cấp hộ chiếu vaccine cho người tiêm đủ hai mũi. Đặc biệt, cần thiết phải ưu tiên công nghệ, trao đổi thông qua các nền tảng ứng dụng giao dịch bất động sản trực tuyến… Ngoài ra, tập trung xây dựng cộng đồng môi giới bền vững, trách nhiệm, mạnh mẽ, phải quan tâm toàn diện tới bất cứ doanh nghiệp nào về môi giới bất động sản./.
Lê Anh