Hải Phòng: Ứng dụng chứng thực chữ ký số - Khắc phục lỗ hổng bảo mật trong giao dịch điện tử
2012-12-11
Sở Thông tin và Truyền thông (Sở TT-TT) Hải Phòng đang triển khai chứng thực chữ ký số phục vụ một số hoạt động tại Sở và thử nghiệm mô hình hạ tầng chữ ký số phù hợp cho các cơ quan nhà nước trên địa bàn Hải Phòng. Bước đầu ứng dụng và những lợi ích của hoạt động này hướng tới giải pháp bảo đảm an toàn trong giao dịch điện tử, môi trường mạng, phù hợp Nghị định số 26/2007/NĐ-CP của Chính phủ ban hành quy định chi tiết thi hành Luật giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số.

Sở Thông tin và Truyền thông (Sở TT-TT) Hải Phòng đang triển khai chứng thực chữ ký số phục vụ một số hoạt động tại Sở và thử nghiệm mô hình hạ tầng chữ ký số phù hợp cho các cơ quan nhà nước trên địa bàn Hải Phòng. Bước đầu ứng dụng và những lợi ích của hoạt động này hướng tới giải pháp bảo đảm an toàn trong giao dịch điện tử, môi trường mạng, phù hợp Nghị định số 26/2007/NĐ-CP của Chính phủ ban hành quy định chi tiết thi hành Luật giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số.


Việc ứng dụng chữ ký số bảo đảm tính xác thực nội dung văn bản điện tử trong giao dịch hành chính giữa các cơ quan nhà nước. Ảnh: Cán bộ Văn phòng UBND huyện Thủy Nguyên thực hiện giao dịch gửi, nhận văn bản điện tử ở bộ phận “một cửa”. 								             Ảnh: Duy Lân

Việc ứng dụng chữ ký số bảo đảm tính xác thực nội dung văn bản điện tử trong giao dịch hành chính giữa các cơ quan nhà nước.

Giảm văn bản giấy, tiết kiệm chi phí

Thành phố Hải Phòng là một trong những địa phương đi đầu ứng dụng dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng trong hoạt động của Sở Giáo dục và Đào tạo. Trưởng phòng Công nghệ thông tin, Sở TT-TT Nguyễn Anh Dũng cho biết, tiến tới triển khai sâu rộng, Sở TT-TT đang thử nghiệm ở một số bộ phận, đơn vị trong nội bộ sở ứng dụng chữ ký số (một dạng chứ ký điện tử) để gửi văn bản điện tử thông qua mạng in-tơ-net. Bước đầu cho thấy hiệu quả rõ rệt nhiều mặt, trong đó, nổi bật nhất là bảo đảm tính xác thực nội dung văn bản điện tử, xác định được nguồn gốc cung cấp văn bản điện tử trong giao dịch hành chính giữa các cơ quan nhà nước. Ngoài ra, việc ứng dụng chữ ký số (CKS) gửi văn bản điện tử góp phần giảm đáng kể lượng văn bản giấy gửi qua đường văn thư, vừa tốn kém chi phí, chậm tiến độ và lãng phí nhân lực.

Theo ông Dũng, trong quá trình thử nghiệm, có 20 chứng thư số được cấp phát, bao gồm 3 lãnh đạo Sở (giám đốc, phó giám đốc), 17 cán bộ là trưởng, phó của 6 phòng, 2 trung tâm thuộc Sở. Loại văn bản được áp dụng chữ ký số trong thời gian thử nghiệm gồm: giấy mời, thông báo, công văn đi/đến, phiếu trình giải quyết công việc v.v… trừ các văn bản mật (hoặc tối mật) trong nội bộ 88 đơn vị trực thuộc Sở TT-TT. Mục tiêu của quá trình thử nghiệm là 100% văn bản nội bộ trong Sở TT-TT được lưu chuyển trên mạng sử dụng dịch vụ chữ ký số, không cần chuyển bản giấy (trừ văn bản mật). Ngoài ra, toàn bộ cán bộ, công chức, người lao động trong Sở TT-TT hình thành thói quen sử dụng chữ ký số trong công việc.

Chữ ký số là thông tin được mã hóa bằng khóa riêng (tương ứng với một khóa công khai) của người gửi, được đính kèm theo văn bản nhằm bảo đảm cho người nhận định danh và xác thực đúng nguồn gốc, tính toàn vẹn của dữ liệu nhận được. Những băn khoăn thường gặp của nhiều cá nhân, tổ chức có tham gia các hoạt động giao dịch điện tử là làm thế nào để thực hiện các giao dịch thanh toán điện tử với ngân hàng được bảo đảm bí mật, an toàn? Làm thế nào để xác định được một cá nhân, một tổ chức đang trao đổi, giao dịch với mình trên in-tơ-net là không phải lừa đảo?... Tất cả những khúc mắc này được giải quyết thông qua sử dụng CKS trong giao dịch và đó chính là những động lực, lý do để CKS trở nên cần thiết trong hoạt động giao dịch điện tử hiện nay. Nhất là, trước thực tế ngày nay, bất cứ cá nhân hay tổ chức nào đều phải đối mặt với các hình thức tội phạm mạng lừa đảo, ăn cắp thông tin cá nhân, mạo danh trong giao dịch, đặc biệt là giao dịch điện tử đang ngày một phổ biến. Những tổn thất mà các hình thức tội phạm mạng gây nên là rất lớn cả về kinh tế cũng như uy tín của các cá nhân, tổ chức.

Tiến tới ứng dụng rộng rãi

Theo các chuyên gia về CKS, với việc sử dụng các dịch vụ chứng thực số, chúng ta hoàn toàn có thể giải quyết được những nguy cơ kể trên. Những lợi ích mà dịch vụ chứng thực số đem lại khẳng định tính cấp thiết của nó trong giao dịch điện tử, khi mà giá trị của thông tin ngày càng được coi trọng.

Theo Phó giám đốc Sở TT-TT Hải Phòng Phạm Văn Tuấn, những kết quả và tiện ích thấy rõ trong bước đầu ứng dụng chữ ký số là tiền đề để Hải Phòng tiến tới mở rộng triển khai hoạt động này. Trước mắt, trong giai đoạn tới, các văn bản chỉ đạo điều hành của UBND thành phố đăng trên Cổng thông tin điện tử thành phố tại địa chỉ http://haiphong.gov.vn sẽ được ký số, bảo đảm không bị thay đổi nội dung trong việc lưu chuyển trong môi trường mạng. Ngoài ra, khối Văn phòng Sở TT-TT sử dụng chữ ký số cho các văn bản điện tử trên hệ thống điều hành tác nghiệp nhằm giảm văn bản giấy theo tinh thần Chỉ thị số 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Về việc tăng cường sử dụng văn bản điện tử trong hoạt động của cơ quan nhà nước, theo Phó giám đốc Phạm Văn Tuấn, thời gian tới, Sở TT-TT phối hợp Ban Cơ yếu Chính phủ và Văn phòng UBND thành phố Hải Phòng tiếp tục triển khai ứng dụng chứng thực CKS cho các văn bản gửi nhận qua hệ thống thư điện tử và qua hệ thống gửi nhận văn bản trên mạng truyền số liệu chuyên dùng thành phố.

Theo baohaiphong.com.vn




Tin liên quan

Trang chủ Giới thiệu Tin tức sự kiện Truyền thông xã hội Tin hội viên Đào tạo truyền thông Tài nguyên ngành Thư viện ảnh Liên hệ English
HỘI TRUYỀN THÔNG THÀNH PHỐ HÀ NỘI
Địa chỉ: Số 32 Hào Nam - Đống Đa - Hà Nội
Điện thoại: (+84) 04.35123194 Email: info@hanica.org