Ứng dụng CNTT để đổi mới cơ quan Đảng
2012-10-25
Việc ứng dụng và phát triển CNTT-TT đã từng bước thay đổi thói quen và lề lối làm việc truyền thống, chuyển sang phong cách làm việc hiện đại thông qua sử dụng máy tính, Internet trong các cơ quan Đảng.

Việc ứng dụng và phát triển CNTT-TT đã từng bước thay đổi thói quen và lề lối làm việc truyền thống, chuyển sang phong cách làm việc hiện đại thông qua sử dụng máy tính, Internet trong các cơ quan Đảng.

Ứng dụng đặc thù

Từ giữa những năm 90, nắm bắt được xu thế phát triển của việc ứng dụng CNTT trong công tác văn phòng, lãnh đạo Văn phòng TƯ Đảng đã chỉ đạo đưa máy vi tính vào sử dụng để soạn thảo văn bản.

1a.jpg
Việc ứng dụng và phát triển CNTT-TT đã từng bước thay đổi thói quen và lề lối làm việc
truyền thống tại các cơ quan Đảng.

Gần 2 thập kỷ qua, các cơ quan Đảng đã thực hiện nhiều dự án CNTT quy mô toàn quốc như Dự án A96 - 2000 trong 3 năm 1998 - 2000, Đề án Tin học hoá hoạt động của các cơ quan Đảng giai đoạn 2001 - 2005 (Đề án 47) và Đề án Tin học hoá hoạt động của cơ quan Đảng giai đoạn 2006 - 2011 (Đề án 06); nỗ lực hoàn thành mục tiêu xây dựng mạng máy tính tại Văn phòng TƯ Đảng, kết nối với mạng máy tính của các Ban TƯ Đảng và các tỉnh ủy, thành ủy.

Chia sẻ về hoạt động ứng dụng CNTT trong hệ thống cơ quan Đảng, PGS. TS Vũ Duy Lợi, GĐ Trung tâm CNTT, Văn phòng TƯ Đảng cho biết: "Công tác tin học hoá hoạt động của các cơ quan Đảng chủ yếu tập trung vào việc thiết lập đồng bộ, thống nhất hạ tầng kỹ thuật CNTT-TT, bao gồm xây dựng các mạng máy tính nội bộ của từng cơ quan, kết nối thành mạng thông tin diện rộng của Đảng từ TƯ đến địa phương (cấp huyện và từng bước mở rộng đến cấp xã, phường); xây dựng và đưa vào sử dụng thống nhất phần mềm Hệ thông tin điều hành tác nghiệp (bao gồm thư điện tử, quản lý, xử lý, gửi nhận, lưu trữ văn bản); tập huấn sử dụng máy tính, mạng máy tính và phần mềm ứng dụng trong công tác văn phòng cho cán bộ, chuyên viên; ban hành quy định về quản lý, sử dụng máy tính và phần mềm ứng dụng, gửi nhận văn bản trên mạng thông tin diện rộng của Đảng".

Đáng lưu ý, do đặc thù lưu giữ, xử lý tài liệu, văn bản của Đảng nên mạng máy tính nội bộ của các cơ quan Đảng không kết nối trực tuyến với Internet, không kết nối với mạng máy tính của các cơ quan Nhà nước (mạng máy tính của cơ quan Nhà nước kết nối trực tiếp với Internet).

Đã có nhiều ứng dụng CNTT phát huy hiệu quả cao trong việc hỗ trợ hoạt động của các cơ quan Đảng. Điển hình nhất là Hệ thống thông tin điều hành tác nghiệp thực hiện việc quản lý, xử lý, gửi nhận và lưu trữ văn bản tài liệu (dưới dạng text). Hiệu quả lớn nhất là quản lý văn bản, tài liệu giúp cho việc tra cứu, khai thác văn bản được thuận lợi, nhanh chóng, rút ngắn thời gian xử lý công việc hàng ngày của các cơ quan Đảng.

Cần sự vào cuộc quyết liệt của lãnh đạo

Bên cạnh những thành quả đạt được, TS Vũ Duy Lợi cũng thẳng thắn chia sẻ  về những khó khăn của hoạt động ứng dụng CNTT trong cơ quan Đảng. Khó khăn hàng đầu là nhận thức của một bộ phận lãnh đạo chưa sâu sắc và đầy đủ. Một số cấp ủy chưa thấy rõ vai trò, tầm quan trọng của việc ứng dụng và phát triển CNTT, dẫn tới thiếu chủ động, chưa kiên quyết ứng dụng CNTT nhằm đổi mới lề lối làm việc, nâng cao chất lượng công tác. Trình độ ứng dụng CNTT vào công tác chỉ đạo, điều hành không đồng đều.

Ngoài ra, hoạt động ứng dụng CNTT trong hệ thống cơ quan Đảng còn một số tồn tại khác như: Chậm triển khai dự án về hệ thông tin chuyên ngành, các phần mềm dùng chung; Thiếu cơ chế đảm bảo kinh phí thường xuyên cho khâu bảo trì, bảo hành thiết bị và phần mềm ứng dụng; Cán bộ kỹ thuật CNTT còn thiếu về số lượng và yếu về chuyên môn, đặc biệt là ở cấp huyện; Phương thức hoạt động của bộ phận chuyên trách CNTT nặng về hành chính.

Một trong những nguyên nhân gây ra những khó khăn nêu trên là CNTT là lĩnh vực mới, tốc độ phát triển nhanh; việc triển khai ứng dụng CNTT là nhiệm vụ phức tạp trên quy mô rộng đòi hỏi phải có quá trình thực hiện lâu dài.

“Bài học kinh nghiệm quan trọng nhất là nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, cán bộ, đảng viên về vai trò của ứng dụng và phát triển CNTT trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, chuyên môn nghiệp vụ”, ông Lợi nhận định.

Tập trung xây dựng hệ thống thông tin chuyên ngành

Tiếp tục định hướng ứng dụng CNTT để đổi mới bộ máy, phong cách làm việc, trong năm 2012, các cơ quan Đảng đã lên kế hoạch hoàn thành các dự án thuộc Đề án 06 về xây dựng hệ thống thông tin chuyên ngành do các Ban TƯ Đảng là chủ đầu tư; tổng kết, đánh giá toàn diện kết quả triển khai Đề án 06; trên cơ sở đó đề xuất phương hướng, nhiệm vụ và phương thức tổ chức ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan Đảng giai đoạn 2013 - 2016 và các năm tiếp theo; đổi mới phương thức tổ chức ứng dụng CNTT; nâng cao kỹ năng sử dụng, khai thác các phần mềm ứng dụng, các hệ thống thông tin điện tử được xây dựng; bảo đảm an toàn hệ thống và an ninh, bảo mật thông tin...

Với tư cách CIO của khối các cơ quan Đảng, PGS. TS. Vũ Duy Lợi bày tỏ mong muốn việc ứng dụng và phát triển CNTT-TT trong hoạt động của các cơ quan Đảng nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao; sự gương mẫu thực hiện ứng dụng cụ thể và yêu cầu, đòi hỏi, đánh giá cán bộ cấp dưới phải sử dụng CNTT trong công việc hàng ngày của các cấp lãnh đạo. 

Tháng 3/1996, sản phẩm của đề tài nghiên cứu, thiết kế hệ thống cơ sở dữ liệu và xây dựng các chương trình máy tính phục vụ cho việc quản lý và khai thác, sử dụng tài liệu Phông Lưu trữ Đảng Cộng sản Việt Nam được đưa vào ứng dụng trong Văn phòng TƯ Đảng và hệ thống văn phòng các cấp ủy Đảng. Tháng 3/1997, Trung tâm CNTT được thành lập với chức năng tham mưu, giúp lãnh đạo Văn phòng TƯ Đảng tổ chức ứng dụng CNTT ở cơ quan; hướng dẫn xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch ứng dụng CNTT trong hệ thống văn phòng cấp ủy Đảng.

Theo ICT news.vn

Tin liên quan

Trang chủ Giới thiệu Tin tức sự kiện Truyền thông xã hội Tin hội viên Đào tạo truyền thông Tài nguyên ngành Thư viện ảnh Liên hệ English
HỘI TRUYỀN THÔNG THÀNH PHỐ HÀ NỘI
Địa chỉ: Số 32 Hào Nam - Đống Đa - Hà Nội
Điện thoại: (+84) 04.35123194 Email: info@hanica.org