Đầu tư mạnh cho ứng dụng
Trở lại vấn đề Hà Nội bị tụt hạng về chỉ số ứng dụng CNTT trong khối cơ quan nhà nước (CQNN). Tháng 6-2012, Bộ TT-TT công bố báo cáo đánh giá trang, cổng thông tin điện tử và mức độ ứng dụng CNTT của các bộ, ngành, địa phương, thì cả hai chỉ số này Hà Nội đều đứng khá xa, năm sau thụt lùi so với năm trước. Cụ thể, ở bảng xếp hạng đánh giá mức độ cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến trên website của các CQNN thì Cổng giao tiếp điện tử của Hà Nội đứng thứ 19 (năm 2010 đứng thứ 9, năm 2009 đứng thứ 2). Trong bảng xếp hạng đánh giá về mức độ ứng dụng CNTT trong CQNN (dựa trên hai nhóm thành phần là triển khai ứng dụng nội bộ và triển khai ứng dụng CNTT phục vụ người dân và DN), Hà Nội ở vị trí thứ 19 (năm 2010 đứng thứ 9). Nghịch lý ở đây là Hà Nội đã đầu tư mạnh, đồng bộ cho hạ tầng như kết nối mạng diện rộng, hội nghị truyền hình trực tuyến, ADSL, mạng WAN, phần mềm một cửa, phần mềm quản lý văn bản, trang bị máy tính cho cán bộ công chức đến tận xã, phường… mà vẫn bị tụt hạng ở những chỉ số cơ bản.
Hà Nội sẽ ứng dụng rộng rãi CNTT trong cơ quan nhà nước để trở thành
địa phương đứng đầu cả nước. Ảnh: Internet
Tại hội nghị DN CNTT với Chương trình mục tiêu ứng dụng CNTT trong hoạt động của CQNN TP Hà Nội giai đoạn 2012-2015, tổ chức cuối tháng 11 vừa qua, lãnh đạo Sở TT-TT khẳng định, Hà Nội mong nhận được nhiều sự hỗ trợ từ DN, trong đó có việc "hiến kế" để có thể đạt mục tiêu trở thành địa phương đứng đầu cả nước về ứng dụng CNTT. Lãnh đạo Sở nhấn mạnh, từ năm 2013, các DN triển khai ứng dụng CNTT cho Hà Nội không còn phải lo chuyện kinh phí như trước, bởi vốn đầu tư sẽ giải ngân ngay trong quý I. Để thực hiện mục tiêu trên, Hà Nội dự tính cần trên 60.000 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước cấp trên 8.000 tỷ đồng, còn lại thực hiện theo hình thức xã hội hóa…
Nên để DN đầu tư?
Theo dự thảo chương trình, Hà Nội phải xây dựng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng thông tin, tạo nền tảng phát triển chính quyền điện tử Thủ đô đạt mức 3; ứng dụng rộng rãi CNTT trong hoạt động nội bộ của CQNN, hướng tới nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí hoạt động; đứng tốp đầu các tỉnh, thành phố trong cả nước về chỉ số mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT…
Tại hội nghị, nhiều DN đã có những góp ý rất thẳng thắn cho bản dự thảo chương trình. Một số đại biểu cho rằng, mục tiêu của chương trình quá coi trọng mặt lượng so với chất. Ví dụ, ở chỉ tiêu đạt 100% đơn vị… kết nối mạng WAN thì cũng cần chú trọng đến chất lượng mạng; tiếp đến là cần phải bổ sung việc sử dụng phần mềm mã nguồn mở. Đại diện nhiều DN đề xuất Hà Nội phải có một chuẩn dữ liệu, vì đây là điều kiện bảo đảm cho hệ thống và dữ liệu được liên thông. Vì trong những năm qua, nhiều phần mềm quản lý được đưa vào sử dụng trong CQNN, nhưng số lượng phần mềm tương thích với nhau rất thấp, cái sau phủ định cái trước, gây lãng phí và bất cập. Có ý kiến đề xuất, nên bắt tay thực hiện hai vấn đề khó nhưng mang tính đột phá đó là: tích hợp được hệ thống dữ liệu của TƯ và địa phương, đồng thời thực hiện công khai dữ liệu. Nhiều ý kiến cho rằng, nên thay đổi tư duy triển khai ứng dụng CNTT, thay vì đứng ra đầu tư, nên chọn cách thuê dịch vụ do các DN cung cấp. Trước đây, CQNN thuê DN làm phần mềm và DN giao lại theo hình thức "chìa khóa trao tay", cách này có bất cập là khi sử dụng lại không thực tế vì nhu cầu sử dụng ở mỗi các cơ quan, đơn vị khác nhau. Thuê dịch vụ có ưu điểm vừa giảm chi phí vừa nâng cao hiệu quả của các dự án, vì DN sẽ tự đầu tư các hệ thống CNTT, sau đó thu hồi vốn bằng thu phí sử dụng dịch vụ. Cách này còn có ưu điểm là không phụ thuộc vào một DN cung cấp và CQNN có thể biến năng lực của nhà cung cấp thành của mình…
Sở TT-TT Hà Nội sẽ tạo điều kiện cho các DN CNTT tham gia triển khai Chương trình ứng dụng CNTT trong CQNN Hà Nội và đã ký kết hợp tác với Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam và Hội Tin học viễn thông Hà Nội về việc thúc đẩy hoạt động ứng dụng CNTT trên địa bàn.
Theo hanoimoi.com.vn