Tính đến thời điểm này, hạ tầng CNTT của các đơn vị, cơ quan nhà nước chủ yếu được đầu tư theo kế hoạch, hệ thống trang thiết bị của các Sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, UBND huyện, thị đã được chú trọng đầu tư. Hệ thống mạng LAN của các sở, ban, ngành, các đoàn thể, các huyện, thị phần lớn cũng đã được xây dựng. Hầu hết các đơn vị đều đã được trang bị hệ thống máy tính và có kết nối Internet và kết nối mạng LAN phục vụ cho ứng dụng CNTT. Tỷ lệ tin học hoá ở các cơ quan Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị xã hội cấp tỉnh: Tỷ lệ máy tính/CBCC đạt 86%, tỉ lệ cơ quan có kết nối Internet 100%, tỷ lệ tin học hoá ở các cơ quan Đảng, Nhà nước các tổ chức chính trị xã hội cấp huyện: tỉ lệ máy tính/CBCC đạt 73%; tỉ lệ cơ quan có kết nối Internet đạt 56% và số lượng máy tính được kết nối Internet đạt 62%.
Hầu hết cán bộ, công chức của các sở, ngành, địa phương làm việc trong môi trường gián tiếp được trang bị máy vi tính và được đào tạo cơ bản về tin học, các công chức đã sử dụng thư điện tử trong trao đổi công việc hàng ngày và có đủ trình độ tiếp cận với các ứng dụng công nghệ thông tin mới.
Mạng truyền số liệu của tỉnh được triển khai đến các cơ quan Đảng cấp tỉnh, huyện đã triển khai xong giai đoạn 2, chuẩn bị triển khai giai đoạn 3. Hệ thống giao ban điện tử trực tuyến giữa UBND tỉnh với 7 huyện, thị xã; Cầu truyền hình trực tuyến giữa Sở với Bộ Thông tin và Truyền thông được xây dựng và đưa vào sử dụng đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm chi phí và thời gian. Hệ thống Hội nghị truyền hình trực tuyến đã được triển khai, xây dựng hoàn thiện từ tỉnh xuống cấp huyện với 02 điểm tại UBND tỉnh và Sở TT&TT, 07 điểm tại UBND các huyện, thị xã.
Hiện nay, toàn tỉnh có gần 86% cán bộ, công chức cấp tỉnh, 73% cán bộ, công chức cấp huyện được trang bị máy tính cho công việc. Hầu hết các cơ quan cấp tỉnh, cấp huyện đã được đầu tư xây dựng hệ thống mạng nội bộ LAN và kết nối Internet đáp ứng các tiêu chuẩn theo quy định.
Hệ thống Thư điện tử của tỉnh đã đưa vào sử dụng với quy mô đầu tư 210 account cung cấp cho các sở, ban, ngành tỉnh. Sở Thông tin và Truyền thông đã tổ chức triển khai đảm bảo quy trình theo quy định và hoàn thiện cung cấp thông tin về tài khoản cho tất cả các sở, ban, ngành tỉnh. Tỷ lệ cơ quan thường xuyên sử dụng hệ thống thư điện tử trong công việc là 15%, tỷ lệ văn bản được trao đổi qua hệ thống thư điện tử là 5% chủ yếu là lịch công tác, giấy mời họp, báo cáo, tài liệu hội họp. Việc ứng dụng hệ thống thư điện tử giúp cho việc đảm bảo phát hành văn bản, tài liệu trao đổi phục vụ công việc nhanh gọn đến các cơ quan, đơn vị. Qua đó, tiết kiệm được thời gian, chi phí trong việc photo, chuyển tài liệu văn bản cho các đơn vị có liên quan và góp phần nâng cao tốc độ xử lý thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước.
Hệ thống Quản lý văn bản và điều hành điện tử đã được đưa vào sử dụng tại 10 đơn vị, bước đầu các đơn vị đã ứng dụng có hiệu quả tiêu biểu như Sở Thông tin và Truyền thông, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư... Phần mềm Quản lý văn bản và điều hành điện tử bước đầu đã đem lại hiệu quả như hồ sơ được thực hiện hoàn toàn qua mạng, kiểm soát được quy trình, thời gian xử lý công việc vì thế hạn chế được tình trạng văn bản quá hạn xử lý, tiết kiệm được chi phí văn phòng phẩm phục vụ cho việc in ấn, gửi nhận văn bản. Tỷ lệ các văn bản đi/đến được chuyển hoàn toàn trên môi trường mạng (không dùng văn bản giấy) khoảng 10%; tỷ lệ văn bản đi/đến được chuyển song song trên môi trường mạng và qua đường công văn khoảng 50%. Thống nhất và tin học hoá các quy trình hoạt động tác nghiệp, các hình thức tiếp nhận, lưu trữ, phổ cập, trao đổi, tìm kiếm, xử lý thông tin, giải quyết công việc trong các CQNN để nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác điều hành của lãnh đạo, các hoạt động tác nghiệp của cán bộ, công chức.
Đặc biệt, hệ thống quản lý văn bản điều hành đã xây dựng được hệ thống các kho văn bản điện tử, cung cấp thông tin về văn bản phục vụ yêu cầu của lãnh đạo, cán bộ quản lý, cán bộ chuyên môn một cách thuận tiện, chính xác, đầy đủ và kịp thời; Cung cấp một môi trường trao đổi thông tin nhanh, hiệu quả và tin cậy thống nhất cho các CQNN trên phạm vi toàn tỉnh, với các bộ, ngành trong cả nước. Là công cụ hữu hiệu giúp người sử dụng tổ chức quản lý và lưu trữ toàn bộ thông tin, tài liệu trao đổi theo các mục đích khác nhau. Nâng cao trình độ sử dụng các ứng dụng CNTT, từng bước tạo thói quen làm việc trên môi trường mạng và sử dụng các thông tin điện tử, bên cạnh đó nâng cao trình độ quản lý, góp phần tạo sự thay đổi đột phá trong phương thức làm việc, trong quy trình xử lý thông tin, giải quyết công việc của cán bộ, công chức với sự hỗ trợ hiệu quả của các phần mềm, từng bước góp phần thực hiện công tác cải cách hành chính.
Qua đó, nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý và điều hành của các đơn vị, góp phần thúc đẩy công tác quản lý, gửi nhận văn bản đi, đến thực hiện trên môi trường mạng. Quản lý toàn bộ các văn bản của cơ quan bao gồm các văn bản đến, văn bản đi, văn bản nội bộ, văn bản dự thảo... thực hiện gửi và nhận văn bản với các cơ quan, tổ chức, cá nhân bên trong và bên ngoài thông qua mạng máy tính. Quản lý toàn bộ các quá trình phát sinh, luân chuyển và xử lý văn bản như các phiếu giao việc, phiếu trình, phiếu xử lý, các ý kiến trao đổi góp ý trong quá trình xử lý văn bản trên hệ thống mạng máy tính. Tạo lập và quản lý các hồ sơ công việc của từng cá nhân tham gia hệ thống, quá trình xử lý văn bản, thiết lập luồng xử lý để có thể theo dõi lưu vết xử lý văn bản và toàn bộ quá trình xử lý văn bản liên quan. Đồng thời hồi báo thông tin của các văn bản gửi, nhận trên mạng. Tạo lập và quản lý các loại báo cáo về các tình hình luân chuyển, quản lý, theo dõi và xử lý văn bản, kết xuất các thông tin tổng hợp nhằm phục vụ kịp thời công tác điều hành tác nghiệp của lãnh đạo cũng như của các cán bộ trong đơn vị.
Chuẩn hóa, tạo lập và lưu trữ thông tin các danh mục nhằm đáp ứng công tác quản lý các đối tượng tham gia vào hệ thống, trợ giúp việc cập nhập thông tin văn bản và hỗ trợ việc phân xử lý, ủy quyền xử lý văn bản theo thẩm quyền. Hỗ trợ công tác lưu trữ văn bản và hồ sơ công việc. Tích hợp với các thành phần khác có liên quan của hệ thống thông tin tại các cơ quan nhà nước nhằm trao đổi, cung cấp thông tin.
Tuy nhiên, việc khai thác sử dụng hệ thống mạng vẫn còn nhiều hạn chế: chưa có phần mềm dùng chung; mới chỉ khai thác được một số tính năng cơ bản của hệ thống mạng như: chia sẻ máy in, chia sẻ văn bản điện tử, chia sẻ đường truyền Internet băng thông rộng (ADSL)... Tình trạng hệ thống mạng LAN của các cơ quan, đơn vị đưa vào khai thác mới chỉ đáp ứng được phần nào công việc. Bên cạnh đó nhận thức của một bộ phận cán bộ công chức chưa có thói quen dùng văn bản điện tử thay cho văn bản giấy nên việc trao đổi văn bản điện tử còn nhiều hạn chế...
Để từng bước nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong hoạt động quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh, thời gian tới, ngành Thông tin và Truyền thông tỉnh tiếp tục thực hiện các chương trình, dự án đầu tư cho ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý của các cơ quan nhà nước như: tiếp tục triển khai Dự án hệ thống thư điện tử tỉnh Lai Châu và hệ thống quản lý văn bản và điều hành điện tử tỉnh Lai Châu... từng bước đáp ứng nhu cầu công việc tiến tới Chính phủ điện tử, thực hiện có hiệu quả “Đề án đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về Công nghệ thông tin và truyền thông vào năm 2020”.