Công nghệ thông tin được sử dụng ở mọi lúc, mọi nơi.
|
Thực hiện việc ứng dụng CNTT trong cơ quan quản lý nhà nước, thời gian qua tỉnh đã triển khai các giải pháp nhằm phát triển hạ tầng, nâng cao hiệu quả ứng dụng tăng cường nguồn nhân lực CNTT.
Đến nay, hạ tầng CNTT của tỉnh đã được cải thiện đáng kể. 100% các sở, ban, ngành; 7/9 UBND các huyện, thị xã, thành phố có mạng LAN, 100% kết nối Internet; bình quân 2 cán bộ có 1 máy tính; trên 70% cán bộ công chức viên chức (CBCC-VC) sử dụng thư điện tử của tỉnh để trao đổi văn bản, tài liệu; 13 sở, ngành, huyện thị ứng dụng phần mềm quản lý điều hành tác nghiệp...
Ngoài ra, Cổng thông tin điện tử của tỉnh hiện có 38 website của các sở, ban, ngành, huyện, thị, thành phố đã đi vào hoạt động, cập nhật đầy đủ thông tin liên quan đến các hoạt động của ngành, tích hợp cung cấp dịch vụ hành chính công mức độ 1, 2, 3 bước đầu đã mang lại hiệu quả. Hiện nay, phần mềm hồ sơ công việc liên thông đã được nối thông suốt đến 100% các sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND các huyện, thành phố trên địa bàn.
Hầu hết CB-CC-VC chuyên môn đều biết sử dụng thư điện tử và ứng dụng CNTT với tần suất khá cao trong xử lý công việc như: tiếp nhận, xử lý văn bản, gửi thông tin, báo cáo thay cho văn bản giấy... và đã có kết quả khả quan.
Việc ứng dụng CNTT cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả chỉ đạo điều hành của các cấp chính quyền, góp phần minh bạch hóa và rút ngắn khoảng cách thời gian. Đồng thời nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp đăng ký dịch vụ công qua mạng nhanh chóng, thuận lợi.
Cụ thể, năm 2011, Sở Y tế triển khai ứng dụng phần mềm quản lý điều hành tác nghiệp trong quản lý điều hành chuyên môn, nhờ đó việc quản lý giải quyết công văn đến và đi của Sở đã được tác nghiệp hoàn toàn trên mạng.
Hiện nay, các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở đã được UBND tỉnh phê duyệt được công bố đăng tải trên website của Sở, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức và cá nhân cung cấp và sử dụng các dịch vụ y tế.
Cán bộ, chuyên viên của Sở thường xuyên trao đổi thông tin, gửi các văn bản của ngành trên hệ thống thư điện tử… Do đó đã đáp ứng được yêu cầu đổi mới trong quản lý điều hành với nhiều ưu điểm rõ rệt.
Để có được những kết quả quan trọng trong việc triển khai ứng dụng CNTT trong toàn ngành, Sở Y tế tỉnh cũng đã đặc biệt quan tâm đầu tư trang thiết bị đồng bộ và bố trí đội ngũ cán bộ chuyên trách về CNTT theo từng lĩnh vực.
Ông Lường Văn Hom - Giám đốc Sở Y tế tỉnh cho biết: “Sử dụng CNTT trong quản lý nhà nước rất tiện lợi và có nhiều ưu điểm như giải quyết công việc thuận tiện và nhanh chóng, không hạn chế về không gian và thời gian; giảm tải áp lực trong công việc của lãnh đạo và chuyên viên; tiết kiệm cho phí hàng chính…”.
Là một trong những đơn vị đầu tiên của thành phố mạnh dạn ứng dụng phần mềm CNTT trong công tác giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa”, sau gần 3 tháng thực hiện việc ứng dụng này, Văn phòng Đăng ký Quyền sử dụng đất thành phố đã tiếp nhận gần 650 hồ sơ các loại trong đó hoàn thiện và trả kết quả gần 1/2 số hồ sơ.
Nhờ ứng dụng phần mềm “một cửa điện tử” đã hạn chế được tình trạng hồ sơ bị quá hạn không có kết quả, thời gian thực hiện thủ tục được rút ngắn nhiều. Nếu như trước đây làm một bộ hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định tại Nghị định số 88 là 55 ngày, nay được xây dựng trên phần mềm điện tử đã giảm xuống còn từ 30-34 ngày.
Việc ứng dụng phần mềm một cửa điện tử không chỉ giúp Văn phòng Đăng ký Quyền sử dụng đất quản lý tốt dữ liệu, xác định rõ trách nhiệm của từng đơn vị mà còn giúp người dân biết và nắm bắt được những thông tin kịp thời về bộ thủ tục của mình đang được giải quyết đến đâu trên phần mềm “một cửa điện tử” của thành phố.
Thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về phát triển và ứng dụng CNTT gắn với cải cách hành chính, hướng tới chính phủ điện tử trong xu thế hội nhập quốc tế, thời gian tới Ban chỉ đạo CNTT tỉnh sẽ có những giải pháp như: nâng cao nhận thức về vai trò CNTT trong các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là các cấp lãnh đạo, các ngành; tích cực xã hội hóa đầu tư cho phát triển hạ tầng viễn thông và CNTT; đầu tư đột phá có trọng tâm, trọng điểm, đẩy mạnh việc đầu tư của Nhà nước đối với các chương trình dự án phát triển hạ tầng ứng dụng CNTT trong hoạt động các cơ quan Nhà nước phục vụ người dân và doanh nghiệp; có chính sách khuyến khích, ưu đãi thu hút nguồn nhân lực CNTT, thu hút các thành phần kinh tế đầu tư vào CNTT; xây dựng các cơ chế đặc thù và chính sách đột phá để đảm bảo nhu cầu về vốn đầu tư cho ứng dụng và phát triển CNTT... phấn đấu đưa chỉ số ứng dụng CNTT của tỉnh vào nhóm khá so với cả nước vào những năm tới.